Tôi đọc đi đọc lại lịch sử đất nước Cambodia, thật lạ họ chưa từng bị Ấn Độ xâm lược. Đạo Hindu như một tôn giáo quốc gia tại Ấn Độ nên còn được gọi Ấn Độ giáo. Hindu giáo xuất phát từ đạo Balamon phiên âm từ chữ Brahman đã có giai đoạn được phát triển rực rỡ tại đây. Muốn hiểu về đền thờ Angkor Wat phải tìm hiểu con đường tôn giáo Hindu thâm nhập vào Cambodia xưa.
Theo dòng lịch sử, tôn giáo Hindu thâm nhập vào đất nước này từ thuở chưa được hình thành như bây giờ. Thuở còn vương quốc Phù Nam các thương gia người Ấn giỏi buôn bán các hương liệu. Họ tỏa ra tìm kiếm mọi cơ hội với các vương quốc quanh khu vực Đông Nam Á. Quá trình buôn bán, các thương gia luôn thân quen với giới tinh hoa cầm quyền. Liên kết gia đình hoàng gia hay giới tăng lữ giúp thuận lợi cho thương mại. Quá trình giao thương diễn ra đồng thời với việc truyền thụ Hindu giáo sơ khai vào các vương quốc nhỏ này.
Quá trình thâm nhập
Dần dà theo thời gian Hindu giáo âm thầm xâm nhập sâu vào đời sống văn hóa tại vương quốc Phù Nam, Chân Lạp hay Champa. Đến thế kỷ VII vương quốc Phù Nam bị nước láng giềng Lục Chân Lạp thôn tính. Họ sáp nhập tạo thành nước Cambodia cai quản một khu vực rộng lớn. Sau vài thế kỷ tranh giành lãnh thổ lẫn nhau. Đến thế kỷ thứ X còn lại Champa, Chân Lạp, Xiêm La, Lào và Đại Việt. Tôn giáo Hindu hay Ấn Độ giáo ảnh hưởng mạnh mẽ đến Chân Lạp và Champa.
Trước đó, Phật giáo cũng đã trở thành tín ngưỡng thâm nhập mạnh mẽ với người dân của nhiều vương quốc trong khu vực. Cuộc tranh giành ảnh hưởng của tôn giáo diễn ra âm thầm nhưng khốc liệt. Chắc chăn rằng trong những lần thay đổi về tôn giáo trong xã hội xảy ra nhiều xáo trộn. Ví như cuộc Thập Tự Chinh thời Trung Cổ còn hệ lụy đến bây giờ. Hoặc gần hơn nữa khi thực dân Anh rút lui chia cắt các vùng miền Ấn Độ theo tôn giáo. Cuộc đi dân tại Ấn Độ năm 1947 theo Hồi giáo hay Hindu giáo gây ra biết bao đau thương.
Vương triều Chola
Theo ghi chép lịch sử, một vị vua vĩ đại rất được lòng người dân Khmer vào giai đoạn đó. Vua Suryavarman II trị vì vào giai đoạn 1113-1150 đã ra lệnh xây dựng đền Angkor Wat. Vì sao một vị vua của dân tộc Khmer lại theo tôn giáo Hindu? Khi còn hoàng tử trẻ ông đã từng “phái một sứ giả đến thăm vương triều Chola đang cai trị tại miền Nam Ấn Độ. Ông tặng một viên đá quý cho vị hoàng đế Chola Kulothunga Chola I vào năm 1114 ”.
Vậy triều đại Chola là ai? Vương triều Chola của người Tamil cai trị miền Nam Ấn lâu đời nhất của lịch sử đất nước Ấn Độ. Nó tồn tại từ thế kỷ III trước công nguyên đến cuối thế kỷ XIII. Thời kỳ phát triển cực thịnh từ thế kỷ IX đến đầu thế kỷ XIII. Đỉnh cao vào thời vua Rajaraja Chola I và con trai Rajendra Chola I. Vương triều đã trở thành một thế lực mạnh mẽ về quân sự, kinh tế và văn hóa tại Nam Á và Đông Nam Á.
Trong gần hai thế kỷ hưng thịnh từ năm 1010 đến 1200, không gian sinh tồn của Chola được mở rộng các hướng. Lãnh thổ Chola trải dài từ quần đảo Maldives phía Nam đến bờ sông Godavari tại Andhra Pradesh. Họ lấy một phần Srilanka, chinh phục Bắc Ấn, xâm lược các vương quốc nhỏ tại Malaysia và Indonesia. Sở dĩ họ xâm chiếm được lãnh thổ rộng lớn, vì vương triều Chola có lực lượng hải quân mạnh mẽ nhất khu vực.
Ảnh hưởng khu vực lâu dài
Vương triều Chola đã để lại những di sản văn hóa đặc sắc cho Ấn Độ. Hai di sản thế giới mà tôi đã từng ghé thăm vào năm 2020 nhân chuyến rong chơi tại đây. Bất cứ cuộc xâm lược nào cũng đều có mục đích, lợi ích tài nguyên lẫn truyền bá đức tin. Văn hóa Chola ảnh hưởng đến tôn giáo, văn hóa của Đông Dương và lục địa Ấn Độ.
Thuở ấy, hoàng tử trẻ Suryavarman II được sự ủng hộ của vương triều Chola. Nhân cơ hội đất nước suy yếu nhiều phe phái ông đã chinh phục và thống nhất đất nước Cambodia. Vương triều Chola đang lúc cực thịnh bang giao tốt với Cambodia. Liệu họ có hỗ trợ đưa nhiều nhân công tay nghề cao đến thi công giúp đền Angkor Wat không? Tất cả đã bị chôn vùi cuốn trôi theo dòng chảy lịch sử. Vào thế kỷ XIII, vuơng triều Chola suy yếu đến diệt vong nên các tài liệu lịch sử để lại cũng thành tro tàn của thể chế mới. Tôi đi giữa nắng trưa hoang hoải mông lung di sản Angkor Wat