Dự định dạo bộ trên con đường Rajpath nổi tiếng tại thủ đô kéo dài từ phủ tổng thống đến đài tưởng niệm chiến tranh Ấn Độ. Kiểm tra lại bác Google Maps, khoảng cách dài đến 2,7 cây số mà chùng chân, ra đường ngoắc xe tuk tuk muôn năm. Một sự tiếp nối thú vị ngồi trên xe tuk tuk nhìn công trình, cảnh vật cỏ cây xanh tươi lướt nhanh qua. Xe tuk tuk phục vụ chân tình nhiều như người dân của họ. Đài tưởng niệm chiến tranh nhắm tưởng nhớ những người lính Ấn đã phục vụ quân đội Anh trong thế chiến thứ nhất. Đồng thời ghi nhớ các anh hùng đã ngã xuống trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc Ấn Độ.
Chạnh lòng nhớ lịch sử Ấn Độ
Chàng thanh niên tài xế tuk tuk vừa chạy vừa hát nho nhỏ vui vẻ đón tôi. Xe chạy trên con đường của vua (Rajpath) đến đài tưởng niệm chạnh lòng nhớ lại lịch sử Ấn Độ. Theo dòng lịch sử, vào tháng 5 năm 1857 cuộc khởi nghĩa mang tên “binh biến Ấn Độ” bắt đầu. Họ chống lại sự cai trị của công ty Đông Ấn được bảo trợ bởi đế quốc Anh. Cuộc khởi nghĩa dưới danh nghĩa của hoàng đế triều đại Mughal.đã thất bại nặng nề. Hoàng đế cuối cùng Bahadur Shah Zafar của triều đại Mughal bị “tòa xâm lược” tuyên án tại pháo đài Đỏ. Ông phải lưu đày tại đất nước Miến Điện lúc này cũng thuộc Anh. Các hoàng tử bị chém đầu, triều đại Mughal thực sự chấm dứt từ đây.
Đứng trước cảnh nước mất nhà tan. Các cuộc nổi dậy từ nhiều vùng đã thiếu đoàn kết nên dẫn đến thất bại. Đế chế vương quyền Anh giải thể luôn công ty Đông Ấn. Họ tiếp quản cai trị tiểu lục địa Ấn trải dài trong một khu vực rộng lớn. Từ năm 1858 chính quyền Anh trưc tiếp cai trị dưới danh nghĩa toàn quyền. Người dân Ấn Độ phải trải qua gần một trăm năm đấu tranh vệ quốc. Cuối cùng ngày 15 tháng 8 năm 1947 tiểu lục địa Ấn Độ được đế quốc Anh trao trả độc lập. Trước khi từ bỏ, người Anh đã chia làm hai nước Ấn Độ và Pakistan.
Tương đồng
Vào năm 1971 định mệnh lịch sử lại rơi xuống mảng lục địa bên bờ Ấn Độ dương xinh đẹp. Đất nước Pakistan cũ lại chia thành nước Pakistan mới và nước Bangladesh như hiện nay. Thủ đoạn chia cắt Ấn Độ theo chiêu bài tôn giáo đã gây ra hệ lụy lịch sử khôn lường đến tận ngày nay. Lịch sử đôi khi có sự tương phùng kỳ lạ giữa hai đất nước xa xôi Ấn Độ và Việt Nam. Thời kỳ ấy chủ nghĩa đế quốc trỗi dậy mạnh mẽ. Các nước lớn phân chia bàn cờ địa chính trị của châu Á, châu Phi. Cùng năm 1858 liên quân Tây Ban Nha – Pháp nổ phát súng xâm lược vào nước Việt tại Đà Nẵng. Người Việt bắt đầu cuộc trường kỳ kháng chiến bảo vệ đất nước.
Nhiều cuộc khởi nghĩa của người Việt chống đế quốc Pháp thất bại. Các vị vua yêu nước của Việt Nam cũng bị lưu đày xa xứ. Người dân Việt Nam mất gần một trăm năm chiến đấu mới đánh đuổi được thực dân Pháp. Biết đâu nhờ sự tương đồng xa xưa ấy mà hiện nay tình hữu nghị giữa hai đất nước đã nâng lên một tầm cao mới. Người dân Việt đã bước đầu hiếu kỳ thích thú qua tham quan du lịch Ấn Độ ngày mỗi đông. Khám phá đất nước Ấn đem lại nhiều cung bậc cảm xúc riêng có. Người dân hai nước du lịch giao lưu thể hiện tình yêu mến của hai dân tộc. Sắp tới hai mươi mốt chuyến bay của các hãng hàng không sẽ nối liền tình thân thương của người dân hai nước.
Chiều bên đài tưởng niệm
Tài xế tuk tuk đổ từ bên ngoài. Xa xa kiến trúc đài tưởng niệm chiến tranh Ấn Độ tương tự như cổng tại Mumbai. Trời xanh nhẹ dịu êm, một không gian bằng phẳng rộng lớn ở giữa nổi bật lên một chiếc cổng như Khải Hoàn Môn của châu Âu. Tôi bước chậm qua hàng rào ngăn cách nhìn những người dân Ấn Độ. Không ngờ nơi tưởng niệm của thuở trước đã thành nơi mưu sinh của tầng lớp nghèo khó buôn thúng bán bưng. Nhìn thoáng qua những mảnh đời mưu sinh giống như tại các vòng xoay của Sài thành quê hương Việt.
Tôi dạo một vòng quanh đài, tò mò thích thú thử vài món ăn vặt nhẹ của thủ đô. Vài món ăn nhỏ là lạ với du khách. Tôi thử ăn mà ngon thì ít nhưng rất vui với người dân nghèo xứ Ấn. Đài tưởng niệm cũng là nơi hò hẹn của tuổi trẻ Ấn vui chơi bên cạnh nhiều du khách háo hức đến check in địa điểm lịch sử. Tôi nhỉn toàn cảnh không gian tưởng nhớ trôi qua nhè nhẹ bàng bạc giữa một hoàng hôn đang về.