Vào đời Hùng Vương thứ sáu có ông Thánh Gióng. Chiến công hiển hách của ông đánh tan giặc Ân bên Tàu xong bèn bay về trời. Trong quá trình chiến đấu vũ khí giúp ông đánh giặc là ngựa sắt, nón sắt và roi sắt. Thật ra trong bộ đồ ra trận còn có đôi dép Thánh gióng mà tác giả sáng tác lại quên mất. Chuyện đôi dép Thánh gióng tại chùa Thanh Thủy là viết bổ sung cho truyền thuyết Việt xưa.
Đôi dép Thánh Gióng?
Tôi phận con cháu năm mươi mấy đời của ông tinh cờ thấy đôi dép Thánh Gióng tại chùa Thanh Thủy. Một đôi dép sắt đàng hoàng, to cao và khá nặng. Không rõ lý do gì nằm tại chùa Thanh Thủy. Đôi khi trong lúc bay về trời đôi dép sắt rớt tại cố đô Kyoto cũng nên. Tôi nhìn và thử sở nhẹ vào đôi dép sắt mát đến lạnh lùng nhuốm màu cũ kỹ của thời gian. Đôi dép được khóa cẩn thận tránh du khách vào thử, đặt trang trọng trên kệ gỗ. Đế dép cao có miếng phẳng phía sau hơn 2.000 năm qua vẫn còn tính thời trang. Nhìn quai đôi bằng sắt mòn nhẵn chứng tỏ ông đã dạo bộ nhiều nơi miền quê xưa nước Việt.
Kakaka… Câu chuyện hư cấu liên tưởng đến Thánh Gióng khi tôi nhìn thấy đôi dép sắt tại Thanh Thủy tự. Các nhà sư ngày trước tại chùa này thật có năng khiếu cơ khí, tạo ra đôi dép sắt độc lạ. Có thể phòng để dép này là nơi tập luyện thể lực của các nhà sư chăng? Đang suy nghĩ miên man chợt những Thánh nữ mặc Kimono ngang qua làm tôi bừng tĩnh. Theo chân các nữ Thánh vào chánh điện của Thanh Thủy tự. Bỏ giày dép ra ngoài, tâm thiện lành mà lòng xao động, tôi khấn nguyện gì đây trước tượng các Thánh Thần Bồ Tát. Ai đó đã quỳ xuống gõ nhẹ vài cái vào chiếc chuông đồng to lớn trên sàn nhà đảnh lễ.
Tiếng chuông đồng vọng
Nam mô A di đà Phật tiếng chuông đồng vọng vang lên tại Thanh Thủy tự trong trẻo và ngân nga đến bất ngờ. Mọi âm thanh hỗn tạp bên ngoài sảnh dường như tan biến đâu đây. Chỉ còn tiếng chuông vang mãi, âm lực tiếng chuông cứ ngân mãi trong lòng tôi. Người xưa đã biết chọn âm thanh của đồng thanh và vang xa làm điểm nhấn mỗi khi lễ. Chợt nhớ đến tiếng chuông chùa gần nhà mỗi sớm đúng 4h30 lại vang lên gióng giả. Nắng hay mưa, bão tố hay lũ lụt cứ vào giờ ấy tiếng chuông lại ngân lên. Chuông càng to âm lực càng lớn tỏa đi nhiều phương.
Tôn giáo cần chuông để nhắc nhở niềm tin của con người. Tôi lại nhớ đến tiếng chuông nhà thờ Florence vang lên rộn rã của ngày ấy. Chuông vang trong một sớm mai làm thức giấc kẻ viễn du trong tháng ngày phiêu lãng. Chờ cho tiếng chuông đồng vọng tại Thanh Thủy Tự dứt, tôi mở mắt ra. Trước mắt tao nhân mặc khách rủ nhau vào chùa cầu nguyện ngày mỗi đông. Cần không gian cho người khác, thanh âm của chuông giờ nhường cho tiếng cười ríu rít của các Thánh nữ trên đường ra khỏi chánh điện. Đời thường thiện tai hay tại Thiên!
Photo Samgoshare