Ghé chùa Thammikarat tại cố đô Ayutthaya Thái Lan

Rời chùa Ratchaburana đau thương tràn lấp tiếp tục lên đường đến thăm quan môt ngôi chùa cổ của vương quốc Ayutthaya. Chùa Thammikarat được xây dựng trước khi vua U Thong Ramathibodi I đầu tiên lập quốc. Nó nằm ngoài phạm vi di sản văn hóa Công viên lịch sử Ayutthaya. Theo lời em nhân viên nhà trọ đã gợi ý, đường đi dễ tìm theo Google Maps. Từ chùa Ratchaburana tàn phai theo năm tháng chạy xe máy hơn một cây số sẽ gặp chùa Thammikarat nơi người dân thường hằng cầu nguyện.

Từ ngoài thong thả dạo bộ vào chùa phải băng qua gian hàng bán vật phẩm cúng. Những cái bàn được phủ vãi vàng, trên đó có hương đèn hoa quả và nhiều hàng khác. Gian hàng được che mái tôn cùng nền gạch tàu loang lỗ như dấu hiệu bình dân của một chùa nghèo. Không hiểu sao trưa hôm ấy trong chùa rất vắng khách du lịch chủ yếu cư dân bản địa.

Nơi cầu nguyện may mắn

Những cậu học sinh vào khấn nguyện xin vượt qua kỳ thi nào đó chăng? Các em gái vào cúi đầu khấn Phật mong được gặp duyên lành có chút bình an trong đời? Vị sư chùa khoác áo cà sa ngồi trên chiếc ghế nhựa mắt nhắm mắt mở. Độ mập mạp của sư ước chừng chiếc ghế phải oằn oại rêm mình. Sư phải chồng hai chiếc ghế nhựa mới chịu nổi trọng lực hấp dẫn của mình. Thi thoảng ông ngủ gà ngủ gật hay biết đâu đang thiền định kiểu Thái mới. Xa xa phía trong chánh điện tượng Phật thân trắng muốt trên vai vắt dãi lụa vàng. Phía trước có vài tượng Phật khác, tranh ảnh hoàng gia cùng các vật phẩm cúng dường. Nội thất trang trí xung quanh đơn giản chỉ tấm thảm đỏ nổi bật dưới chân.

Tượng Phật trong chùa Wat Thammikarat mới
Tượng Phật trong chùa Thammikarat mới. Photo Samgoshare

Thực tế đây là nơi mới xây dựng làm nơi tu tập sau này, ngôi chùa gốc nằm bên cạnh trầm mặc. Theo tư liệu còn lại chùa Thammikarat ra đời trước khi vua U Thong lập vương quốc Ayutthaya năm 1351. Thuở trước tại đây có khu định cư của người Khmer. họ đã xây dựng một bảo tháp cùng những con sư tử đá bao quanh. Dấu tích ấy vẫn còn lại đến ngày nay, khi vào chùa bên tay trái vẫn đứng đó im lặng bao năm. Sau khi vua U Thong lập quốc biết chốn thiêng liêng đã cho mở rộng và xây dựng thêm. Tư liệu cho biết ông cho xây tượng Phật to lớn đã bị phá hoại theo thời gian chỉ còn lại cái đầu. Hiện người ta phục chế đầu Phật đang nằm phía bên phải trước chùa.

Hoang phế chùa xưa cũ

Qua mấy bậc cấp, bước vào ngôi chùa Thammikarat xưa cũ lúc trưa nắng trắng trời. Chỉ còn lại những bức tường gạch tươi đỏ cùng những cây cột xây cao lêu khêu. Mái nhà trống trơn ở giữa có tượng Phật ngồi trơ trọi. Ngài ngồi đó không biết đã bao năm qua vẫn thản nhiên cô độc thường hằng. Tượng Phật màu đen khoác mảnh cà sa vàng cùng lọng vàng trên đầu. Di tích dẫu tàn phai hư hại theo thời gian mà người dân vẫn một lòng gìn giữ tượng đá Phật. Mỗi ngôi chùa tôi đến khuôn mặt của Ngài đều khác biệt. Ngài lưu lại trên thế gian niềm tin về lòng từ bi, khoan dung, nhân ái của con người. Hình tướng của Ngài mỗi chùa mỗi kiểu, mỗi nước tôn thờ mỗi khác.

Tượng Phật trong chùa Wat Thammikarat xưa cũ
Tượng Phật trong chùa Thammikarat. Photo Samgoshare

 

Bảo tháp trước chùa Wat Thammikarat xưa cũ
Bảo tháp trước chùa Thammikarat xưa cũ. Photo Samgoshare

Tôi dạo một vòng quanh di tích còn lại của chùa Thammikarat. Khuôn viên chùa rộng rãi, cây cối um tùm im ắng, một tiếng lá rơi có thể nghe được. Bên phải có sảnh Simon với hàng trăm tượng gà trống rất đẹp cũng rất lạ. Chưa hiểu họ sắp đặt tượng gà quanh một nhân vật quan trọng làm gì? Trưa chang nắng bầy gà nổi bật dưới trời xanh xa cao vời vợi. Phía trước ngôi chùa cũ, bảo tháp (Stupa) gạch quá cũ cùng bầy sư tử đá dở dang. Những con sư tử đá, con còn đầu con không như chứng tích hư hại một thời hoang phế. Người dân bản địa vẫn ngày đêm nguyện cầu bên chùa Thammikarat. Dẫu hoang phế vẫn một nơi chốn thiêng liêng trong tâm tưởng của họ.

Creator Samgoshare   Music Trăm năm chơi vơi – Thuận Hà   Singer Mộc San

 

About Quoc Sam

I am Sam. I am Vietnamese. I was born and grew up in Hue - the ancient capital of Vietnam. Hue is a peaceful small town with the romantic Hương river flows through. I live and work in the Saigon city - a city crowded and lively

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.