Sau khi chạy xe tham quan hai địa điểm Cánh đồng Chum thứ nhất và thứ hai. Vị trí Cánh đồng Chum thứ nhất dễ tìm vì gần khách du lịch đến rất nhiều. Qua Cánh đồng Chum thứ hai khách đã thưa dần hơn vì xa thêm hai mươi cây số. Khám phá Cánh đồng Chum thứ ba gần chỗ thứ hai tiện đường chạy đến luôn. Mỗi vị trí đại diện cho khu vực quần cư rộng lớn của tỉnh Xiêng Khuang xa xưa. Người Lào xưa đã sinh sống rất lâu đời tại đây, tương lai biết đâu còn những khám phá đặc biệt khác. Lịch sử đôi khi phải viết lại vì các nhà khảo cổ.
May mắn
Tôi tình cờ gặp may mắn kiểu như gieo Duyên đến lúc được quả vậy. Trên đường tìm đến khu vực này, cứ ngỡ sẽ dễ thấy như hai Cánh đồng Chum trước. Đến nơi không nhìn thấy gì ngoài cư dân thưa thớt vắng lặng. Loay hoay tìm cách biết chỗ, ngộ tình cờ gặp đoàn khách vừa đến. Đoán họ thế nào cũng tham quan Cánh đồng Chum thứ ba nên tôi bám theo. Vừa đến chỗ mua vé, anh hướng dẫn đoàn khách nhanh nhẹn đi trước. Anh đi khá nhanh xuyên qua một bản làng, qua chiếc cầu bằng tre xinh xắn. Càng ngạc nhiên hơn khi đoàn tiếp tục băng qua một cánh đồng bằng phẳng rộng lớn. Mùa lúa đã qua, chỉ vài thửa ruộng ngập nước, còn lại mặt đất khô đét màu xám xịt trơ gốc rạ.
Người trước người sau đi thành một dãy dài xuyên qua chỗ đồng không mông quạnh. Con đường ruộng nhiều khúc quanh co rất đẹp bên cạnh những hàng rào tre tạm bợ phân chia ranh giới. Thi thoảng leo qua những chiếc thang gỗ từ soi ruộng này qua soi ruộng khác. Tôi ngửi được mùi đồng khô rạ mục xen lẫn mùi phân bò rải rác đâu đó trên đường. Mùi thôn quê đồng vắng nắng mênh mang quen thuộc của thuở thiếu thời. Cuốc bộ khoảng hơn mươi lăm phút đến được Cánh đồng Chum thứ ba. Nó nằm tại địa điểm khó ngờ nhất giữa cánh đồng lúa rộng mênh mông. Càng bất ngờ hơn số chum đá ở đây nhiều hơn chỗ Cánh đồng Chum thứ hai.
Cánh đồng Chum thứ ba
Khu vực này cây cối làm bạn với chum đá cũng dày hơn. Những chiếc chum đứng, chum nằm, chum nghiêng ngả không theo trật tư nào. Những mảng địa y bám quanh dày đặc như nghệ nhân tạo hóa biết trang trí cho bớt nhàm màu đá. Tình cờ tại đây có cái chum bị miếng mẻ một chỗ, tôi quan sát rất kỹ. Nó có cấu tạo như cát sỏi được đúc kết dính lại bằng một hợp chất nào đó. Thật lạ! Nếu lý giải theo hướng hợp chất nào đó được đúc lại thành chum, lâu ngày cứng như hóa đá e rằng phù hợp hơn. Bởi vậy người ta có thể đúc to nhỏ, lớn bé kích thước hình dáng bất kỳ nếu muốn.
Các vị khách đoàn nước ngoài đến rồi đi như một cơn gió thoảng. Chiều trôi, trong không gian yên tĩnh ấy chỉ còn tôi và một vị khách kiên trì chụp từng tấm ảnh. Nhìn ông tác nghiệp có cảm giác như muốn thu hết hình ảnh những chiếc chum nằm rải rác quanh đây vào một mối. Yên tĩnh đến lạnh người, tôi đang ngồi bên các chiếc “chum đá” hơn 2000 năm tuổi. Khảo sát gần đây cho biết tuổi đời các chum đá ở cụm số hai trước Công Nguyên cả ngàn năm.
Chiều chia tay Cánh đồng Chum thứ ba, tôi lưu giữ hình ảnh em gái Âu xinh đẹp đứng bên chiếc chum địa y bám đầy. Nụ cười của em đại diện cho du khách thích khám phá. Hy vọng du lịch sẽ giúp hồi sinh những Cánh đồng Chum, một di sản văn hóa đặc sắc đất nước bạn Lào.
Creator Samgoshare Music Secret Journey – Omar Akram