Lắng lòng nhà thờ đá Phát Diệm Ninh Bình

Dạo chơi nhiều nơi của các nước, tôi thường hay ghé thăm các công trình tôn giáo bản xứ. Lần đến chơi Ninh Bình, Samgoshare đã đến thăm nhà thờ đá Phát Diệm. Tôi như đứa trẻ trở về khám phá bao điều thú vị của quê hương. Từ trung tâm thành phố, thuê xe máy tại khách sạn chạy khoảng 40 km về hướng Kim Sơn sẽ tới điểm tham quan. Nhà thờ đá Phát Diệm vốn đã biết từ lâu, nay hiện ra trước mắt tôi thật rõ ràng. Đất nước Việt còn nhiều nơi chốn tuyệt đẹp chưa biết bao giờ sẽ khám phá hết.  

Lược sử nhà thờ đá Phát Diệm

Từ trung tâm thành phố băng qua nhiều con đường với những cánh đồng phủ màu xanh hương lúa hai bên. Sự háo hức đi thăm nhà thờ đá Phát Diệm làm khoảng cách như ngắn lại. Tôi dừng chân ngay trước con đường chính dẫn vào nhà thờ. Gặp hồ khá rộng kè đá xung quanh, nước màu xanh rêu phảng phất nét đình làng xưa. Ngay giữa, có đảo nhỏ nhân tạo với tượng Chúa Jesus trắng toát, dang vòng tay rộng lượng của mình.

Phía trước nhà thờ đá Phát Diệm
Phía trước nhà thờ đá Phát Diệm. Photo Samgoshare

Đứng từ đây đã nhìn thấy tháp chuông ba tầng bề thế được gọi là phương đình. Tiếp tục băng qua khoảng sân rộng, phương đình sừng sững trước mắt. Khác với nhà thờ phương Tây tháp chuông thường làm cao vút. Tháp chuông làm ba tầng với các mái vuốt cong như mái đình, chùa làng quê Việt. Một nét kiến trúc khá độc đáo, kết hợp nét quen thuộc mái đình, chùa của thôn quê Việt.

Theo dòng lịch sử “nhà thờ đá Phát Diệm một quần thể nhà thờ Công giáo rộng khoảng 22 ha. Nhà thờ Phát Diệm được khởi công vào năm 1875 và hoàn thành vào  1898. Quần thể kiến trúc được phát tâm xây dựng bởi linh mục Peter Trần Lục thuộc giáo phận Phát Diệm từ năm 1865 cùng các giáo dân công giáo khu vực trong hơn 30 năm”. Nhà thờ được xây dựng bằng gỗ và đá trên nền một bãi đầm rộng của thuở ấy. Nét kiến trúc hòa hợp mềm mại theo đình chùa Việt là sự kết hợp đầy sáng tạo.

Nét kiến trúc thuần Việt

Tôi khá ngạc nhiên khi biết công trình xây vào cuối thế kỷ XIX chỉ bằng sức lao động của người dân khu vực. Phương đình xây bằng đá xanh khá chắc chắn, bốn góc trên cao có bốn Thánh như trấn giữa sự an bình cho khu vực. Leo theo cầu thang nhỏ hẹp sẽ thấy trên tầng ba của phương đình treo quả chuông nặng hai tấn đúc từ năm 1890. Tầng hai treo cái trống rất lớn như một cách cân bằng âm dương theo các cụ xưa. Tầng trệt có một sập bằng đá khá lớn, xung quanh có phù điêu của Chúa. Các vòm cửa điêu khắc  rất sắc sảo đầy nét tinh xảo. Tôi đưa tay chạm vào đá, không ngờ sự lạnh lùng của đá qua bàn tay của nghệ nhân Việt trở nên mềm mại.

Nhà thờ chính tòa trong quần thể Phát Diệm
Lắng lòng nhà thờ đá Phát Diệm Ninh Bình ! Photo Samgoshare

Bên trong nhà thờ lớn Phát Diệm, nơi hành lễ chính của bà con giáo dân vào các lễ hội chính. Xung quanh nhà thờ lớn có thêm bốn nhà thờ nhỏ nằm bốn góc. Ngày thường, người dân vào hành lễ cầu nguyện tại đây. Các nhà thờ nhỏ làm bằng gỗ, từ cột, dầm, rui, mè với nhiều đường nét chạm trổ công phu. Mỗi nhà thờ đều có kiến trúc khác nhau như một sự thu nhỏ điển hình đầy tinh tế. Dạo quanh một vòng tôi vào nhà thờ nhỏ, ngồi trong không gian yên tĩnh tâm hồn bình an chi lạ. Ngoài ra, quần thể này còn có các công trình nhân tạo. Các hang đá, nhà nguyện trái tim Đức Mẹ, nhà nguyện kính thánh Peter, thánh Giuse, thánh Gioan, núi Lộ Đức, núi Sinh Nhật, núi Sọ.

Ấn tượng nhà thờ đá

Đặc biệt nhất một nhà thờ nằm khiêm tốn tại góc trong của quần thể Phát Diệm. Nét độc đáo riêng có nhà thờ nhỏ được làm hoàn toàn bằng đá từ móng, cột, vách và mái. Nhà thờ đá xinh xắn, nhỏ nhắn rất riêng tư như dành cho các bậc trưởng lão. Thật sự trấn giữ một góc tinh anh của toàn bộ quần thể. Đứng tại đây tôi mới hiểu được vì sao có tên nhà thờ đá Phát Diệm. Tôi đã phiêu bạt đến thăm qua khá nhiều nhà thờ nổi tiếng của châu Âu. Hôm nay mới thật sự bước vào một nhà thờ đá Phát Diệm cổ kính của giáo dân Công giáo Ninh Bình. Hy vọng nhà thờ đá Phát Diệm Ninh Bình sẽ trường tồn cùng giáo dân Việt Nam.

Hôm ấy sự mầu nhiệm của Chúa đã đến với kẻ phiêu du này. Tình cờ găp một đoàn tham quan từ Hà Nội về nên được khai mở nhiều điều thú vị. Một lần ghé thăm nhà thờ đá Phát Diệm cổ kính độc đáo của xứ Việt. 

About Quoc Sam

I am Sam. I am Vietnamese. I was born and grew up in Hue - the ancient capital of Vietnam. Hue is a peaceful small town with the romantic Hương river flows through. I live and work in the Saigon city - a city crowded and lively

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.