Kết thúc bữa trưa như nghỉ giữa hai hiệp đấu của trận đá banh. Một địa điểm không thể bỏ qua khi đến thăm thủ đô New Delhi của đất nước này. Qua trưa, bắt xe tuk tuk chạy ra phủ tổng thống Rashtrapati Bhavan. Một đất nước thật sự gần gũi với nhân dân khi cơ quan quyền lực cao nhất vẫn cho du khách tham quan. Thú vị ở điểm cả hai đều mang dấu ấn lịch sử của thời đại bị đô hộ. Công trình phủ tổng thống một di sản còn lại của đế quốc đô hộ Anh.
Đường đến Rashtrapati Bhavan
Anh tài xế xe tuk tuk chạy linh hoạt như bay trên con đường đầy nắng nhẹ. Không ngờ chiếc xe đơn giản tuk tuk vô cùng tiện dụng được sử dụng khắp đất nước Ấn. Chàng đứng xuống tiễn khách bằng cách chỉ tay vào phía trong và đưa chân diễn tả phải đi bộ. Một khung cảnh hoàng tráng trước mắt, bao gồm một cụm công trình có kiến trúc của thời xa vắng. Phong cách kiến trúc hài hòa giữa quá khứ Hồi giáo Mughal và Ấu hóa Anh quốc. Thời trước công trình được xây dựng cho Toàn quyền Anh được kiến trúc sư Anh thiết kế. Nó trở thành một biểu tượng quyền lực cai trị của kẻ xâm lược.
Nhớ lại chuyện bắt đầu tưởng chừng như đơn giản. Hoàng đế Jahangir của hoàng gia Mughal cho phép công ty Đông Ấn buôn bán vào năm 1617. Sau dần công ty Đông Ấn đã tạo ảnh hưởng lên hoàng gia mở rộng toàn vùng Bengal tiểu lục địa Ấn bao gồm phía Đông nay thuộc Bangladesh và Tây Bengal thuộc Ấn. Vào giai đoạn này tiểu lục địa Ấn có trên 565 tiểu vương kiểu như lãnh chúa. Những cuộc nổi dậy của từng tiểu vương mong giành lại quyền buôn bán lần lượt bị dập tắt. Đến năm 1850, công ty Đông Ấn gần như kiểm soát toàn tiểu lục địa Ấn Độ, bao gồm cả Pakistan và Bangladesh.
Phủ tổng thống Rashtrapati Bhavan
Ba năm sau ngày dành độc lập, năm 1950 tổng thống đầu tiên đã sử dụng dinh toàn quyền Anh làm nơi sinh sống và làm việc. Từ đó đổi tên thành Rashtrapati Bhavan có nghĩa phủ tổng thống. Con đường du khách dạo bộ được thiết kế sân vườn chỉnh chu xinh đẹp. Toàn cảnh khu vực hình chữ U. gồm các tòa nhà thư ký giúp việc tổng thống theo hai phía Nam Bắc và cạnh dưới là phủ tổng thống. Tôi bước chậm đến phía phủ tổng thống, có barie giới hạn phạm vi bên ngoài. Xa xa khu nhà có mái vòm của phủ nằm im lìm xa vắng. Lính bồng súng canh gác cẩn mật bên ngoài. Vì chưa đăng ký trước nên chỉ tham quan vòng ngoài.
Phủ Rashtrapati Bhavan gồm cụm công trình có kiến trúc đặc trưng rất trang trọng của đất nước Ấn Độ. Theo thông tin tìm hiểu, du khách được tham quan hai tuyến. Tuyến thứ nhất dạo bộ xuyên suốt các phòng chính trong cung. Gồm phòng trưng bày, thư viện, sảnh cẩm thạch và phòng đại yến. Tuyến thứ hai cộng thêm ngắm cảnh vườn Mughal. Dinh thự miễn phí vào cửa tham quan Rashtrapati Bhavan và vườn Mughal. Mở cửa đón du khách vào ba ngày cuối tuần và hướng dẫn viên sẵn sàng hỗ trợ mọi người. Phải đặt chỗ trước, nhớ mang theo hộ chiếu xác nhận nhân thân. Việc đặt chỗ thực hiện trực tuyến, qua email hoặc qua điện thoại.
Ấn tượng uy quyền gần gũi
Điều kiện phải đăng ký tham quan trước theo ngày giờ qui định của nhà nước. Vì chưa kịp đăng ký nên đứng chụp hình, selfie sống ảo thoải mái bên ngoài dinh như bao người khác. Bước chậm đưa “bàn tay năm ngón Anh đã nhăn nheo” sờ lên bức tường của đường dẫn vào khu vực. Màu đỏ của đá hay màu đỏ của máu người dân Ấn Độ đã đổ xuống nhằm bảo vệ mảnh đất này. Mặt ngoài các tòa nhà văn phòng chính phủ có phía dưới cũng ốp đá đỏ nâu phía trên màu vàng cát. Màu sa thạch đỏ được sử dụng nhiều tại khu vực này.
Phủ tổng thống Rashtrapati Bhavan thể hiện quyền uy lẫm liệt lẫn tiếp nối phong cách truyền thống như pháo đài Đỏ từ cố đô Agra đến New Delhi.
Phía trước các công trình, trang trí sân vườn Mughal theo phong cách Ba Tư. Phía trước có dòng nước, cỏ xanh, cây xanh thấp và những cụm hoa điểm xuyết. Sân vườn như bức tranh làm nền xanh giúp nổi bật màu đỏ nâu và vàng từ đá của chân công trình. Một kết hợp tuyệt vời giữa tính dịu dàng mềm mại cỏ cây và vững chắc mạnh mẽ của đá sa thạch. Quyền lực từ dân và vì dân cũng nhẹ nhàng mà cứng cáp, nhu cương tùy vào giai đoạn.
Photo Samgoshare