Thân gởi HTN
Tôi đã nhiều lần xem tranh Hồng Trang Nguyễn trên Face Book của nàng. Nhiều lần ngạc nhiên trước nét cọ nhẹ nhàng tỷ mỹ gần gũi với đời thường. Tranh của Trang thường vẽ bằng màu nước, chất liệu dung dị quen thuộc như thuở ban đầu gặp gỡ. Các bức tranh tĩnh vật đặc tả như hoa, động vật và con người luôn thu hút tôi theo cách rất riêng. Nàng vẽ nhẹ như không với cảm giác được vẽ như cách thư giãn nhẹ nhàng. Đôi khi rủ bỏ cuộc sống công việc thường ngày mà đắm chìm vào ký ức riêng có của nàng.
Bức tranh chưa có tên
Gần đây Trang nhờ bạn bè trên FB đặt tên cho một bức tranh. Nàng vẽ về con hẽm nào đó thuộc miền ký ức xa xăm của mình. Những con hẽm nhỏ bình dị yên tĩnh đến nao lòng ở cố đô Huế thường trầm mặc một màu buồn vàng phai sắc nắng. Tôi đã hình dung tác giả đã thu mình vào một góc nhỏ như trở về với tháng năm tuổi thơ. Ngồi đó lặng nhìn thời gian đang trôi qua hay ngồi đó chờ Mạ đi chợ về. Trẻ con ở Huế thường được người lớn nhờ “ngó nhà”. Thi thoảng ở nhà một mình hay sợ ra ngồi ngó nhà mình! Thu mình trong góc nhỏ tác giả nhìn về ngôi nhà của ký ức xa xăm.
Từ ngoài bức tranh vào cạnh bên hai nhà hàng xóm có màu tường xi măng. Nó xám xịt loang loáng, màu của quá khứ xưa cũ vẫn còn tồn lưu trong tâm trí. Lẽ thường ngẩng đầu lên phía trước là bầu trời. Bầu trời trong mắt tuổi thơ là ngôi nhà bé nhỏ của mình. Bỏ lại hai bên với bức tường xam xám, nhìn về phía trước sắc vàng phai với màu tươi sáng hơn. Nắng đã lên từ lâu làm bừng sáng ngôi nhà quét vàng vôi đã phai. Không phải ngẫu nhiên mà ngày trước người dân thích quét vôi vàng. Màu vàng màu của hoàng gia màu của kim loại quí giá màu của máu và nước mắt.
Ước mơ một thời tuổi trẻ oanh oanh liệt liệt của người lớn sau khi lập gia đình chỉ còn lại chút màu vàng ri đây. Mặt trước ngôi nhà xưa đã sứt mẻ hoen rẻ lộ cả màu gạch cũ. Màu đỏ của gạch màu của đất tuy ít vẫn làm tăng độ tương phản cho chút vàng còn lại.
Các chi tiết thi vị
Thú vị những chi tiết cái đèn đã rất cũ hy vọng vẫn còn sáng trong thời điện đóm chập chờn của thuở bao cấp. Nó lặng lẽ như một chứng nhân vô hình trước thăng trầm của thời cuộc. Biết đâu nó cũng thuộc loại “đèn không hắt bóng” cũng không chừng. Hai cái thanh sắt I làm console như sẵn sàng thách thức với đời “của tin còn lại chút này”. Chút tự vệ cũng trơ ra giữa thanh thiên bạch nhật không giấu giếm. Mái hiên bằng tôn cũ rỉ sét xiêu vẹo như sự gắng sức cuối cùng chở che cho phận người hẽm nhỏ. Tôi thích nhất toàn bức tranh ở nét ánh sáng soi rọi qua “cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa” này. Đứa bé vô hình trong tranh ngồi ngắm vệt sáng của tạo hóa.
Có cảm giác như nó phải ngắm nhìn lâu và rất lâu mới hằn được trong tâm khảm dù tháng năm đã qua lâu rồi. Vệt sáng trước cửa xanh trong tranh ít người để ý vì nó chỉ sáng lên trong phạm vị hẹp so với ngoài kia ngập nắng. Nó có được cũng nhờ vết rách nào đó trên mái hiên vốn đã tạm bợ. Ánh sáng xuyên qua vết rách, soi rọi vào nơi chốn vốn đã lặng lẽ đầy ám ảnh xưa cũ. Nó như niềm hy vọng mong manh được nhen nhóm mỗi ngày lặng lẽ. Hẽm nhỏ lối nhỏ của khu phố nhỏ nhoi nào đó ở quê hương của nàng.
Biết đâu trong khoảnh khắc u buồn của số phận. Đứa bé ngồi nhìn chút ánh sáng nhỏ không lung linh nhảy múa của ngày ấy lại giúp thức tỉnh tin vào hy vọng của một ngày mai. May mắn Trang đã vẽ con hẽm nhỏ trong ngày ngập nắng, nếu không gặp những ngày mưa dầm dề xứ Huế sẽ u tối đến dường nào. Tổng thể hai mảng màu chủ đạo của bức tranh xám xi măng và vàng phai vôi vữa. Vừa gần gũi thân thương có thể sờ mó cảm nhận được, vừa đau đáu phải chia xa trước cơn lốc nhà nhà đô thị hóa. Những con hẽm mang hồn của phố sẽ mất dần trong tương lai.
Vàng phai một thuở
Tôi đã tải bức tranh phóng to và tăng độ tương phản lên mấy bậc. Mong muốn tìm kiếm trong đó chút tuổi thơ ảo ảnh của ngày xưa. Trên từng bậc thang từng mảng xi măng bong tróc cũng được nét cọ điểm xuyết đơn giản chân thật đến không ngờ, nhắc nhở hình ảnh ngỡ đã quên từ lâu. Mỗi nét vẽ tưởng chừng phơn phót thực ra chứa đựng một trời hoài niệm. Càng tăng độ tương phản sắc nắng của tạo hóa làm màu vàng phai bỗng rực rỡ lên đến lạ. Đùa với tranh một chút, biết vậy nó chỉ phản chiếu chút hư ảo ánh sáng nhất thời của quang học từ laptop. Hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ qua tận nhà tác giả. Chỉ xin ngắm những bức tranh dung dị của nàng thơ xứ Huế thuở nào. Rứa thôi!
Cuối ngày nhìn lại sắc nắng vàng phai trong tranh Hồng Trang Nguyễn. Tự nhiên nhắc tôi nhớ đến hai câu thư pháp của người bạn học gởi tặng. “Kinh thành xưa dẫu tàn phai sắc nắng. Huế ngàn năm vẫn đợi bóng ai về.…”
Sài Gòn, Samgoshare 25/05/2023