Một ngày miệt mài với di sản Angkor tối về ngủ vùi ngon giấc. Ngày mai tôi chọn tham quan “di sản” sống hiện tại của người dân nghèo vùng xa. Theo thông tin tìm hiểu tại cố đô Siem Reap có hai làng nổi ngư dân. Một kiểu quần cư ven vùng sông nước lên xuống theo mùa phụ thuộc vào con sông Mê Kong. Lại nghe có người Việt Nam định cư nên chọn làng nổi cách mười mấy cây số. Từng xem clip giới thiệu làng nổi Chong Khneas tại Siem Reap với mơ ước được lên bờ.
Đường đến làng Chong Khneas
Ngày hôm ấy đi về mệt quá nhật ký chỉ viết dăm dòng. “Chạy xe miệt mài đến tham quan hai làng nổi tại Siem Reap cách nhau vài chục cây số. Nhầm đường vẫn gắng tìm lại mà chạy trong nắng trưa. Bù đắp cho đoạn đường xa, hai bên cảnh quan sông nước nhà cửa cư dân rất lạ lùng, quay được vài đoạn phim thú vị ”. Chọn đến làng nổi Chong Khneas vì khá gần cách Siem Reap khoảng mười mấy cây số. Chạy theo chỉ dẫn bác Google Maps tôi bị nhầm đến hai lần, chỉ đường vòng rất lắt nhắt gây hiểu lầm.
Sau cùng hỏi thổ địa mới thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đường làng xen lẫn phố thị tại Siem Reap. Càng ra xa phố thị Siem Reap càng thấy làng quê thanh bình yên tĩnh. Đất trời mênh mông, cảnh hai bên đường như làng quê đâu đó của xứ Việt. Màu xanh của lúa từ ruộng đồng rộng bát ngát bên cạnh nhiều mảnh đất bỏ hoang. Ít thấy người làm nông cảm giác họ khai thác chậm, dư địa phát triển nông nghiệp vẫn còn nhiều. Thi thoảng nao lòng dừng lại nhìn các cây thốt nốt vươn cao giữa trời lộng gió. Xe chạy đến cuối cùng gặp doi đất nhô ra trên bản đồ là bờ mơ ước của cư dân làng nổi Chong Khnear.
Trên bờ làng Chong Khneas
Làng nổi Chong Khneas trên sông nằm cách bờ một đoạn muốn ra phải thuê thuyền. Tôi lại muốn dạo bộ quanh doi đất nhỏ nơi cung cấp toàn bộ cuộc sống sinh hoạt cho làng nổi phía xa kia. Con đường nhỏ đất cát nhiều hộ dân quần cư làm nghề cá sống chung với nhau. Dòng sông đục ngầu thuyền chở du khách chạy hối hả. Những căn nhà tạm bợ bên cạnh những chiếc thuyền hờ hững. Các dụng cụ làm nghề cá nằm ngổn ngang đó đây. Chiếc xe tải bán hàng treo lửng lẳng như cửa hàng tạp hóa di dộng. Cuộc sống quá nghèo kéo lùi vài chục năm về trước.
Câu nói “không ai chọn lựa được nơi mình sinh ra chỉ có thể chọn nơi sống” dường như không còn đúng nữa. Cuộc sống vốn khốn khó đã đưa đẩy họ đến bước đường cùng mưu sinh tại đây. Không phải ai cũng có cơ hội được chọn lựa mà phải chấp nhận như một an bài của kiếp người. Nhiều người cứ nghĩ sao họ không thoát ra? Thoát ra một nơi đã từng cưu mang đầy hoài niệm với hai bàn tay trắng ư? Mỗi người đều đứng tại góc nhìn riêng mình, không thể lý giải được điều gì. Chi bằng hãy cảm nhận cuộc sống khốn khó này để yêu thương hơn cuộc đời mà may mắn đã trao cho chúng ta.