Hành trình rong chơi du lịch qua hai nước Úc với New Zealand gặp nhiều may mắn. Trong đó có chuyến vui chơi với hai vợ chồng anh bạn Ch. quen thời còn đại học. Anh học cơ khí hơn mình một khóa, ra trường công tác tận Buôn Ma Thuột Tây Nguyên. Cơ duyên đăng ký chương trình định cư, hai vợ chồng cùng con cái được qua nước Úc vào thập niên 90. Anh em thi thoảng có liên lạc, lúc mình mới qua anh đang về thăm gia đình tại Huế. Phiêu du hai nước một vòng về lại Melbourne, may mắn còn thời gian gặp lại. Anh lái xe chạy hàng trăm cây số đưa vui chơi tham quan cung đường Great Ocean đẹp nhất nước Úc rộng lớn.
Hữu duyên gặp nhau
Hai anh em gặp nhau tại đất khách quê người như một bất ngờ lớn của cuộc đời. Thời gian đã qua gần ba mươi năm kể từ lần gặp nhau tại Buôn Mê Thuột, giật mình nhẩm lại. Lần đầu điện thoại anh bảo cứ rong chơi một vòng về lại Melbourne, anh sẽ giới thiệu con đường đẹp nhất nước Úc. Hôm ấy, anh chị chở chúng tôi trên con đường mang tên The Great Ocean đến thăm mười hai tông đồ của Chúa bên bờ biển. Cách đặt tên dựa vào thiên nhiên ngoạn mục riêng có thật độc đáo. Hấp lực dẫn dụ du khách qua cái tên và ý muốn thăm mười hai tông đồ thật khó cưỡng.
Truyền thuyết, giai thoại hay chuyện kể rằng luôn kích thích tính hiếu kỳ của lòng người. Ban đầu lúc tìm hiểu tra cứu đã thấy hình ảnh con đường, nay được thổ địa dẫn lối nữa thật tuyệt. Đúng giờ hẹn anh đến đón chúng tôi tại khu dân cư Lalor. Chiếc xe Mazda 6 mạnh mẽ bắt đầu lăn trên con đường đến gặp thiên sứ của người. Anh bảo xe chạy hai chiều khoảng trên 400 cây số nên cố gắng xuất phát sớm. Thoáng giật mình hỏi lại, hơn 400 cây số mà tham quan trong ngày có kịp không anh? Anh cười bảo bình thường thôi. Mấy chục năm sống tại xứ người hình như vài trăm cây số chỉ như chuyện nhỏ. Bật cười, chạy xe vậy bằng từ Huế đến Đà Nẵng hai vòng.
Bến tàu Cuningham
Đất nước kinh tế càng phát triển khoảng cách đô thị dường như càng thu ngắn lại. Từ khu dân cư Lalor chạy đến địa điểm Torquay, nơi cung đường The Great Ocean bắt đầu phải hơn 120 cây số. Xe bắt đầu rời nhà, nỗi niềm mong ngóng thực sự đang thành hiện thực tham quan với cung đường Great Ocean. Bang Victoria có nhiều khu đô thị, thành phố Melbourne như thủ phủ trung tâm. Các đô thị vệ tinh lan tỏa tại nhiều nơi, đất rộng người thưa nên mật độ dân cư thuộc vùng ngoại ô khá thấp. Con đường ven biển phải băng qua Geelong, một thành phố cảng nằm bên vịnh Corio và sông Barwon.
Hai bên đường có nhiều đoạn dài vắng bóng cư dân sinh sống. Đường sạch sẽ thẳng tắp xe chạy tốc độ khá cao tốc độ bình quân gấp đôi xứ Việt. Anh dừng lại nghỉ chân tại bến tàu Cuningham. Gió biển từ bến tàu thổi vào lồng lộng mơn man chiếc cổng chào nho nhỏ với dòng chữ Cuningham Pier. Thiết kế hai trụ dẹp lớn màu trắng xám cùng hai trụ nhỏ. Một cách điệu các ngôi nhà xưa cũ cư dân vùng này hay hai miếng ván trượt nô đùa theo sóng.
Mỏ neo cùng gió biển
Dạo chơi gặp những người trung niên đang ngồi an nhàn câu cá trên cầu cảng. Một cách vừa hóng gió biển, thú vui giết thời gian trên cả tuyệt vời. Nhìn các tượng gỗ đẽo gọt các chú hề đứng vui vẻ tại công viên nhỏ bên bến tàu. Ra bến tàu thấy những chú chim cổ dài cứ lặn hụp lên xuống bắt cá mãi không thôi. Những chú chim miệt mài ngụp lặn mưu sinh trong biển lạnh liệu có gì liên quan với thân phận con người. Cầu tàu bê tông khá dài biểu tượng của thành phố Geelong. Xa xa một công trình có kiến trúc khá đẹp.
Nghỉ chân chốc lát tiếp tục lên đường. Khoảng hơn một tiếng nữa anh dừng lại xuống bãi biển tham quan. Thong thả dạo bộ dọc bãi biển vắng người hít thở không khí trong lành thật sảng khoái. Hàng dương cao thẳng tắp reo vui trong gió biển giống như một góc nào đó của quê hương Việt. Khu vực này trưng bày chiếc neo bằng gỗ khá lớn đã phơi mình bao gió sương. Chiếc neo được tìm thấy bởi những người thợ lặn vào ngày 21 tháng 8 năm 1971. Di vật trở thành bằng chứng sống động về hoạt động nghề cá từ rất sớm của ngư dân vùng này. Đứng bên chiếc mỏ neo khá lớn có thể hình dung con tàu của thuở ấy. Dọc theo cung đường Great Ocean sẽ còn nhiều di vật của tiền nhân trong quá trình khám phá.
Photo Samgosahre