Trở về miền kỹ niệm trường cấp II Phú Xuân

Khi tôi đang quay vài đoạn phim, chợt nghe Hồng Hạnh em Thu Hiền bạn cùng lớp cất tiếng hát khúc ca Trường Cũ Tình Xưa của cố ca nhạc sỹ Duy Khánh mà giật mình. Thật sự quá lâu rất lâu mới nghe lại bài hát về tuổi học trò một thời hoa mộng. Một bài hát mà hầu như mọi học sinh ở miền Nam Việt Nam thuở nhỏ đều thuộc lòng. Vâng, mỗi lần về thăm trường cũ chỉ cần nhẫm lại lời bài hát đã “nổi da gà” bởi tính chân thực của quá khứ. Bài hát tưởng rằng đã quên này tự nhiên cất lên giữa không gian quánh đặc những kỹ niệm tràn về của tuổi học trò. Tôi như được xuyên không trở về miền kỹ niệm cấp II Phú Xuân 1976-1980.

Cố ca nhạc sỹ Duy Khánh sáng tác ca khúc này vào năm 1969 với hoài niệm trong một lần về thăm trường xưa. Nhạc sỹ vẫn còn may mắn hơn tôi, bởi sau bao năm xa cách trường cũ của Duy Khánh thuở ấy vẫn còn hiện hữu. Mái trường cũ của chúng tôi – những người đang hội ngộ hôm nay đã về với cát bụi. Ngôi trường cũ chỉ còn lại trong tâm tưởng của tuổi học trò thuở ấy.

Chuyện trường xưa

Hôm gặp mặt thầy giáo Đỗ Lê kể, trường cấp II Phú Xuân thành lập vào năm 1976. Ơn trời nhờ ông Đặng Cước chủ tịch xã Phú Xuân hồi đó đưa trường về nơi này. Ông quen biết trên huyện thương học trò trường làng nên chọn được vị trí trung tâm xã. Thuở ấy mang tiếng trường cấp II cho oai với thiên hạ rứa thôi! Thực ra ngôi nhà mái nhà tôn rỉ sét che tạm bợ có vách từ rơm rạ bó lại. Trường nằm ngay trên miền cát trắng tại chân rú cát của quê hương Phú Xuân. Xã có năm thôn Diên Đại, Lộc Sơn, Xuân Ổ, Quãng Xuyên, Ba Lăng với đặc sản độc đáo là những dãy rú cát trắng bạt ngàn chạy nối tiếp nhau chạy dọc theo làng.

Trở về miền kỹ niệm cấp II Phú Xuân
Trở về miền kỹ niệm thầy trờ trường cấp II Phú Xuân. Photo Samgoshare

Trường cấp II Phú Xuân hồi đó dành cho ba xã Phú Xuân Phú Hồ và Phú Lương mà Phú Lương quá xa nên ít gười học. Chủ yếu dạy cho các học sinh từ Phú Xuân và Phú Hồ lân cận, lớp tôi thuộc lứa thứ hai. Khi trường cấp II Phú Xuân thành lập năm 1976, tôi đang còn học ở trên phố Huế. Một ngày không nhớ trời nắng hay mưa, chỉ nhớ vào mùa hạ ve sầu kêu rộn rã của năm 1976 tôi rời phố về quê cùng với Mạ. Sau giải phóng gia đình từ Đà Nẵng về Huế ở được hai năm. Sau ngày thống nhất năm 1975, cuộc sống vô cùng khó khăn. Gia đình từ thành phố Huế về nơi chôn nhau cắt rốn của quê nội và ngoại làng Xuân Ổ.

Kỹ niệm đầu tiên

Cuộc sống ở làng quê dù có khó khăn vẫn đỡ hơn trên phố. Riêng tôi, cậu học trò lớp sáu trường cấp II Nguyễn Du khu Gia Hội Huế theo gia đình về quê. Ơn trời nhờ có ngôi trường nằm cuối thôn Xuân ổ như điểm giao giữa các thôn mới có nơi học. Không thì nay cũng trở thành chàng nông dân chính hiệu như bao bạn bè thân thương khác. Thuở ấy nhà xa trường một số học trò đều phải đi bộ, xuyên qua đường mòn làng, xuyên qua rú cát thường ngày. Đi bộ với đôi chân trần qua nhiều năm tháng, những buổi trưa nắng bể đầu phải chạy qua mấy khúc đường cát nóng phỏng chân.

Kỹ niệm đáng nhớ ngày đầu tiên đi học, vừa đi vừa hỏi cũng tới được ngôi trường làng. Vào lớp gặp các bạn bè hoàn toàn xa lạ, ngồi vào bàn học gỗ có đến năm sáu người. Nhìn quanh tường toàn tôn cũ, tre cùng vách rơm với rạ. Nữa chừng loay hoay thế nào không biết rớt cây viết mực xuống dưới. Ôi thôi rồi, ngớ ra nền đất cát nên viết cắm đầu hết ý kiến. Ngày đầu tiên ngồi nghe giảng chay mà chưa biết phải làm gì.

Ngôi trường ngày ấy, miền kỹ niệm Phú Xuân giờ chỉ còn lại hình ảnh in pano treo trên bục cao trong ngày hội ngộ. Nơi ấy của ngày trước nay đã xây thành Trường tiểu học Phú Xuân I còn trường THCS Phú Xuân đang ở Lộc Sơn. Ngôi trường cấp I xây dựng mới rộng rãi khang trang đàng hoàng cho đàn em sau. Hai người bạn lớp tôi vẫn đang công tác tại trường ngôi trường mới này. 

Thầy đó bạn đây

Tuy trường cũ không còn nhưng tình xưa vẫn mãi hiện hữu trong tâm trí của thầy trò Phú Xuân. Riêng tôi mạn phép cố nhạc sỹ Duy Khánh muốn hoán đổi vài từ trong câu ca kết. “Hôm nay trở lại nhiều gương mặt mới. Thầy đó bạn đây trường cũ đâu rồi. Bao nhiêu kỹ niệm hoa bướm ngày thơ…” cho đúng với ngữ cảnh của lần hội ngộ sau hơn bốn mươi năm. Cái ý ni rất đúng với nghĩa đen lẫn bóng. Nhiều gương mặt mới rất mới rất khác nữa là. Hơn bốn mươi năm trôi qua thời gian không bao giờ trở lại đã biến những người bạn thơ ngây ngày nào của tôi thành Ôn thành Mệ.

Cũ mà rất mới, lạ mà rất quen là rứa!

Photo Samgoshare và các bạn 

Hôm ấy với sự góp mặt quý giá của các thầy cô giáo thuở trước. Thầy hiệu trưởng Đỗ Lế người truyền cảm hứng nhà ở Sài Gòn ra chung vui. Thầy dạy toán Nguyễn Văn Tín tóc đã bạc phơ đẹp lão bên vợ thầy cô Loan vui trẻ trên Huế về. Người thầy dạy Toán lại thích thơ văn đã gieo vào đầu tôi các trang viết ngắn thuở ấy. Cô Nguyễn Thị Gái dạy văn người cùng làng đến tham dự còn phong độ, dù đã qua bảy mươi. Nhiều thầy cô khác phiêu dạt mỗi người mỗi nơi không về được. Đôi khi nhìn thầy cô cùng trò lên hát vui vẻ xem xem như anh chị em.

Cám ơn tất cả

Cuộc hội ngộ học trò của thôn quê có đặc biệt hơn nơi khác rất nhiều. Hội ngộ niên khóa 1976-1980 nhưng thực ra là tập hợp học trò từ nhiều lớp, nhiều niên khóa chung trường. Các anh chi lớp trên, các em lớp dưới gặp nhau tay bắt mặt mừng. Đôi khi thấy quen quen mà chưa kịp nhận ra nhau. Cùng nhau trong tiếng hát, tiếng cười, trò chuyện rôm rã, cụng bia côm cốp, nhắc lại chuyện xưa. Những tà áo dài đa sắc màu, những chiếc nón bài thơ lung linh qua các giai điệu Huế. Mắt tôi như nhòe đi vì hạnh phúc đơn giản đến bất ngờ. Các bạn lại bên nhau, lưu lại các tấm hình kỹ niệm quý hiếm. Tất cả tạo nên bức tranh sống động riêng có tại nhà văn hóa Quãng Xuyên của hôm ấy.

Hiện thực không ngờ về ngày hội ngộ của thầy trò trường cũ Phú Xuân. Minh chứng tình thầy trò xưa mãi bền vững. Chân thành cám ơn mọi người đã đến tham dự cuộc hạnh ngộ riêng có tại miền cát trắng Phú Xuân. Sự hiện diện ngày ấy đã thành lịch sử của tình thầy trò xứ Huế về Trường Cũ Tình Xưa. (Samgoshare, Sài Gòn mưa 16/7/2023)

Chia sẻ Clip của bạn Phú Khiêm Media và cám ơn nhiều hí.  

About Quoc Sam

I am Sam. I am Vietnamese. I was born and grew up in Hue - the ancient capital of Vietnam. Hue is a peaceful small town with the romantic Hương river flows through. I live and work in the Saigon city - a city crowded and lively

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.